Bài toán hậu tốt nghiệp luôn là nỗi trăn trở của những sinh viên du học do không tồn tại một đáp án chung cho tất cả mọi người. Với những sinh viên nhận học bổng của chính phủ, nhất là những người đi từ một cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước và đã cam kết trở về thì đương nhiên không thể tự do lựa chọn. Nhưng với những sinh viên khác thì điều may mắn và cũng là điều… bất hạnh của họ lúc này là có quá nhiều lựa chọn khi so sánh với những thế hệ đàn anh hay những người cùng thời đang học trong nước và tại nhiều nước khác. Một sinh viên tốt nghiệp một khoá học đại học hoặc sau đại học tại Nhật hoàn toàn có thể:
1. Tiếp tục học lên bậc học cao hơn để rồi theo đuổi con đường khoa học tại một trường hay viện nghiên cứu của Nhật hoặc một nước tiên tiến khác.
2. Làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia tại Nhật, tiếp xúc với môi trường làm việc quốc tế và công nghệ hiện đại.
3. Gây dựng quan hệ và uy tín tại một công ty có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam làm bàn đạp cho một kế hoạch lâu dài hơn.
4. Trở về nước làm việc với những lợi thế rõ ràng.
Nếu bạn không bị ràng buộc và có thể hoàn toàn tự do quyết định, đâu là con đường bạn sẽ chọn cho mình?
Thông thường, với một sinh viên sắp ra trường, độ rủi ro tăng dần từ trên xuống. Môi trường đại học hay viện nghiên cứu là cái tổ ấm rất khó rời. Đầu quân cho một công ty lớn mang lại sự bình yên ít nhất cho cả chục năm trước mắt. Còn làm cầu nối về Việt Nam đương nhiên là vẫn chắc chân hơn dứt áo trở về.
Nhưng phải chăng rủi ro là yếu tố quyết định khi lựa chọn?
2. Đi tìm một cái đích
Phần lớn chúng ta sẽ trả lời “không” với câu hỏi trên mà đưa ra một tiêu chí khác. Một trong những quan điểm khá phổ biến lấy “lòng yêu nước” làm tiêu chí lựa chọn. Người theo quan điểm này thường cho rằng sinh viên du học sau khi tốt nghiệp cần trở về để xây dựng đất nước. Nghe có vẻ xuôi tai nhưng rất có thể lại hàm chứa ngộ nhận bởi còn quá trừu tượng. Giả sử như định nghĩa xây dựng đất nước là góp phần đưa Việt Nam đến cái đích trở thành một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh” thì điều đó còn xa mới đủ căn cứ cho quyết định trở về. Cách nghĩ thực dụng theo kiểu “qui ra thóc” cũng tương đối phổ biến nhưng chỉ thế thôi thì không đủ thuyết phục cho lựa chọn ở lại làm việc tại nước ngoài.
Lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp cần được hiểu là bước đi đầu tiên để hình thành sự nghiệp. Cùng với gia đình, sự nghiệp – theo nghĩa là tất cả các hoạt động xã hội – là một giá trị sống quan trọng. Vì vậy, đặt quyết định trên những giá trị đích thực sẽ đúng đắn hơn là những giá trị phổ biến hoặc những suy nghĩ thiên về cảm tính.
Vậy sự nghiệp mang lại cho chúng ta những giá trị gì? Nói cách khác, đâu là cái đích cuối cùng của sự nghiệp?
Mục đích sự nghiệp của mỗi người một khác nhưng có thể gom vào 3 cái đích chính:
1. Được làm những cái mình thích, được khẳng định và tự hoàn thiện mình.
2. Được đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội, được công nhận và tôn vinh.
3.Được đãi ngộ vật chất xứng đáng với những đóng góp của mình.
Sự khác biệt nằm ở tỷ trọng của mỗi cái đích trong mỗi người. Sẽ không khó khăn lắm để biết được mình thực sự muốn gì nếu bạn chịu khó suy nghĩ. Có thể bắt đầu bằng cách mường tượng ra hình ảnh của chính mình sau 10 năm và đi tìm lý do đằng sau hình ảnh đó… Bạn sẽ nhận biết được đâu là giá trị mà mình muốn đạt tới.
3. Và một con đường
Tiếp theo cần phải lựa chọn cho mình một con đường. Nếu như bạn có được một cái đích nổi bật cho mình thì xem ra bài toán trở nên rất đơn giản. Dường như người trọng cái đích thứ nhất sẽ hướng đến một công việc chuyên môn, điển hình là làm khoa học. Cái đích thứ hai dẫn ta tới các công việc chính trị xã hội, trong khi kinh doanh là con đường nhanh nhất đưa đến cái đích thứ ba. Những mục đích còn lại có thể đạt được như hệ quả của một lựa chọn phù hợp với bạn. Sau 5 đến 10 năm, chắc chắn con người bạn sẽ thay đổi và khi đó bạn có thể định hướng lại. Một nhà khoa học có thể thành công trong kinh doanh, cũng như một doanh nhân thành đạt sẽ được tôn vinh nhờ những đóng góp xã hội.
Điều đáng lưu ý là khi nhìn vào một bước đường dài thì khả năng, vị thế hay điều kiện khách quan là thứ yếu vì đều là những yếu tố bạn có thể tự trang bị cho mình. Tập trung trước hết vào mục đích và sau đó tin vào cơ hội, bạn sẽ thành công.
4. Trở lại bước đi đầu tiên
Khi đã xác định hướng đi của mình, lựa chọn cho bước đi đầu tiên sẽ không còn là bài toán quá phức tạp.
Nếu bạn theo con đường khoa học hoặc đi sâu vào chuyên môn, lựa chọn thứ nhất là hợp lý do đây là công việc đòi hỏi sự tập trung cao và vì thế cần một môi trường được đầu tư đầy đủ. Một môi trường như vậy khó có thể tìm thấy ở Việt Nam trong những năm trước mắt.
Nếu bạn muốn làm chính trị thì đương nhiên là nên trở về sau khi có bằng cấp trong tay rồi tiến thân theo ngạch công chức vì ít nhất thì đây cũng là lựa chọn duy nhất trong cả thập kỷ nữa. Lựa chọn thứ tư dành cho bạn.
Còn nếu bạn muốn theo con đường kinh doanh, tôi cho rằng lựa chọn thứ ba là khôn ngoan, trong khi lựa chọn thứ hai có thể được dùng như một giải pháp tình thế. Nếu như bạn đi theo con đường này, điểm mấu chốt là xác định điểm dừng. Theo tôi, khi bạn thấy mình không có nhiều thứ hay ho để bổ sung vào lý lịch sau một năm làm việc, bạn nên tìm một công việc khác cho mình.
Những phần sau xin giới thiệu các thông tin cụ thể hơn về một số lựa chọn có thể có sau khi du học Nhật .
Hoa Sen!
0 nhận xét:
Post a Comment