Nhật Bản là quốc gia có hệ thống suối, sông, hồ dày đặc, 4 bề là biển cả bao bọc nên ngay từ thời tiền sử Jomon, người xưa đã biết cách tạo ra các dụng cụ dùng để câu cá. Họ dùng sừng hươu nai và xương động vật để làm những chiếc lưỡi câu sắc nhọn. Chúng là đồ nghề đắc lực giúp người xưa có thể bắt được những loài cá quý.
Câu cá trở thành thú vui tiêu khiển được yêu thích ở Nhật
Câu cá trở thành thú vui tiêu khiển ở Nhật vào thế kỉ XVII, khởi nguồn từ tầng lớp võ sĩ đạo samurai. Khi đó, nội chiến Nhật Bản, hay còn gọi là thời kỳ chiến quốc Sengoku, kết thúc, đất nước thanh bình, các samurai không phải ra trận. Để giết thời gian nhàn rỗi, họ bắt đầu nghĩ ra nhiều trò giải trí. Câu cá là một điển hình.
Muốn câu được cá, phải có cần câu. Thế là kiểu cần câu tre chắp khúc phủ sơn mài Wazao ra đời. Wazao là vật dụng câu cá phổ biến và được ưa chuộng nhất trong giới võ sĩ, giai cấp thượng lưu lúc bấy giờ. Điểm đặc biệt của cần wazao là rất nhẹ, dẻo và cứng cáp nên nó có thể chịu được sức nặng của những con cá có trọng lượng hàng kilôgram.
Wazao là loại cần chắp khúc được kết nối từ nhiều đoạn tre ngắn
Là loại cần chắp khúc được kết nối từ nhiều đoạn tre ngắn nên Wazao rất tiện dụng, người câu cá có thể tháo rời các đoạn tre ra, bỏ vào chiếc hộp nhỏ mang theo bên mình. Tổng chiều dài của một chiếc cần Wazao đôi khi lên đến 4.5 mét, được liên kết từ 15 đoạn tre.
Một điểm đáng lưu ý nữa của cần Wazao là các khúc tre được kết nối trực tiếp với nhau mà không cần đến vòng kim loại cố định bên ngoài. Phần lõi của mắt tre đã được loại bỏ, bên trong cần câu là một đường rỗng, do đó, người ta có thể luồn dây câu vào bên trong cần thông qua chiếc lỗ nhỏ, điểm ra của dây câu là ở phần ngọn của chiếc cần.
Dây câu được làm từ chỉ tơ Ito-maki rất bền, chắc. Dây khá dài để người câu cá có thể thả mồi ra xa. Trên cần Wazao có 3 chiếc mấu dùng để cố định và điều chỉnh dây câu.
Đến thế kỉ XVIII, những tài liệu viết về dụng cụ câu cá và kỹ thuật câu ra đời. Sách hướng dẫn cách làm nhiều loại lưỡi câu và mồi câu khác nhau thích hợp để câu những loại cá khác nhau.
Dụng cụ câu cá giai đoạn này có nhiều cải tiến, chất liệu mới được ứng dụng thay thế nguyên liệu truyền thống. Điển hình nhất là dây câu – loại dây cước có độ dẻo, bền chắc và dễ điều chỉnh hơn so với dây câu ito-maki. Câu cá không còn là trò tiêu khiển đặc thù của giới võ sĩ mà giờ đây nó đã lan rộng ra dân chúng.
Ngoài kiểu câu cá cổ điển ngồi bên bờ sông, hồ hay trên ghềnh đá, người dân Edo lúc bấy giờ còn chèo thuyền ra giữa dòng và buông câu. Đặc biệt, họ rất say mê thú câu cá bống Haze-tsuri trên vùng biển thuộc vịnh Tokyo. Ngày nay, thú câu cá bống trên thuyền ở khu vực vịnh vẫn được người dân thủ đô của Nhật Bản rất ưa chuộng.
Trước khi bắt đầu thả câu cá bống, một số người cẩn thận mặc trang phục câu cá truyền thống, đeo chiếc tạp dề trước bụng và mang bao tay. Kế đến, họ lắp ráp chiếc cần Wazao và điều chỉnh dây câu. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này thể hiện tính nghiêm túc của người câu cá chuyên nghiệp.
Mồi ưa thích nhất của cá bống là loại trùng xanh có tên aoi-shome. Cá bống sinh sống chủ yếu ở môi trường nước lợ – nơi gặp gỡ giữa luồng nước ngọt chảy từ sông Sumida và nước mặn ở cửa vịnh Tokyo.
Câu cá bống haze là thú tiêu khiển được người dân thủ đô Tokyo ưa thích
Mùa câu cá bống truyền thống của người dân Tokyo bắt đầu vào tháng 9 khi cá vào mùa sinh sản. Cá bống haze là loại cá nhỏ, phân bố nhiều ở các vùng nước lợ thuộc châu Á Thái Bình Dương, kích thước khi trưởng thành của nó chỉ khoảng 20 cm. Cá bống haze rất háu mồi nên những người câu haze-tsuri thường sử dụng cùng lúc đến 2 chiếc cần và họ phải thao tác luôn tay.
Haze-tsuri chỉ là một trong vô số kiểu câu cá đặc trưng của người Nhật. Quốc gia này không chỉ có biển mà còn sở hữu rất nhiều sông suối, đó là môi trường sống lý tưởng của các loại cá nước ngọt và là nguồn gốc hình thành môn câu cá sông.
Cá Ayu nằm trong số các loài cá được những người câu cá sông chuộng nhất. Để câu được những con cá nhỏ Ayu, người ta dùng đến kỹ thuật câu Tomo-zuri.
Kiên nhẫn chời đợi cá Ayu mắc câu và thành quả thu được
Đến mùa xuân, mùa sinh sản, cá Ayu di cư từ duyên hải vào sâu trong sông để đẻ trứng. Vòng đời của chúng chỉ kéo dài 1 năm. Cá Ayu là loài rất xem trọng lãnh thổ cư trú. Giữa chúng có sự phân chia địa phận rõ ràng.
Dựa vào đặc tính này, người Nhật đã nghĩ ra cách câu cá Ayu rất độc đáo. Họ gài con cá Ayu sống vào dây câu để làm mồi nhử. Cá mồi, cùng một móc câu phía sau nó, được thả xuống sông. Trong lúc bơi lội trong nước, cá mồi sẽ đi vào địa phận của những con cá Ayu khác. Sự khiêu khích này ngay lập tức được đáp trả bằng những đợt tấn công của cá chủ nhà nhắm vào kẻ xâm phạm lãnh thổ. Và đây là lúc kẻ tấn công bị mắc bẫy. Chỉ chờ có vậy, người câu cá kéo nhanh lưỡi câu về phía họ để bắt lấy cá mồi lẫn cá bị mắc câu.
Quá trình câu cá Ayu bằng mồi sống qua tranh vẽ
Thời điểm cao trào của mùa câu cá Ayu ở Nhật là vào tháng 6 hàng năm. Lúc này, các tay câu chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đổ về các khúc sông nổi tiếng có cá Ayu ở tỉnh Gunma. Ngày nay, mùa câu cá Ayu không chỉ hấp dẫn người dân bản xứ mà du khách nước ngoài cũng rất hào hứng với kiểu câu cá có một không hai này.
Trước sự ưu đãi của thiên nhiên với nguồn thủy sản dồi dào, người Nhật còn nghĩ ra nhiều cách khác nhau để khai thác nguồn lợi này một cách hiệu quả nhất.
Vào mùa hè, ở tỉnh Tochigi, nhiều khúc sông nước cạn và trong đến mức có thể nhìn thấy đáy sông. Một số người tận dụng thời điểm này để câu cá thư giãn với một kiểu câu rất đặc biệt. Người câu cá lội dọc theo lòng sông, dùng kính phóng to để soi xuống mặt nước tìm kiếm những con cá bé xíu và thả mồi câu. Kẻ mắc mồi là cá Kajika – loại cá nhỏ có kích thước trung bình chỉ khoảng 10 cm. Cá Kajika sống chủ yếu trong các hốc đá bên dưới đáy sông cạn, chúng rất háu ăn nên chỉ cần soi kính nhìn thấy chúng và thả mồi câu là cá ăn ngay.
Tuy phần lớn cá Kajika có kích thước khá nhỏ nhưng đôi lúc, người câu may mắn cũng gặp được những con khá to. Vì cá rất dễ ăn mồi nên cả người lớn và trẻ em đều rất thích câu loài cá này.
Theo Hoa Sen.
0 nhận xét:
Post a Comment