Du hoc Nhat Ban, Tuyển sinh du học Nhật Bản

Du học Nhật Bản - Tuyen sinh du hoc Nhat Ban uy tin

Chuyên trang thông tin Du học Nhật Bản số 1 Việt Nam

Tuyen sinh du hoc Nhat Ban gia re

Kể từ khi chuyển sang đón Tết theo dương lịch, phong tục đón Tết của Người Nhật cũng có nhiều nét mới mẻ, tiếp thu từ các nền văn hóa khác. Nhiều thói quen mới đã được hình thành và dần trở thành một phần không thể thiếu trong ngày Tết.
buuthiep nammoi nhatban Tết Nhật: Từ truyền thống đến hiện đại (Phần 2)
Gửi bưu thiếp là một thói quen mới của người Nhật vào dịp Tết
Cùng với những nghi thức truyền thống thì mua sắm cũng là hoạt động rất được người Nhật yêu thích trong dịp Tết. Tất cả các cửa hàng đều đồng loạt mở cửa vào ngày 2/1 với mức giá ưu đãi nhất trong năm. Nhiều cửa hàng, siêu thị thường cho các mặt hàng vào một túi to, bên ngoài in chữ fukubukuro (túi phúc) và bán với giá rẻ bất ngờ, thu hút nhiều người xếp hàng từ sớm để mua cho bằng được. Thông thường, các mặt hàng được giảm giá tới 2/3 hoặc nhiều hơn trong ngày mua sắm đầu tiên của năm mới này. Đi mua sắm vào ngày 2/1 đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong ngày Tết của người Nhật hiện đại.
Một thói quen “hiện đại” khác cũng đã trở thành phong tục ngày Tết của người Nhật, đó là gửi bưu thiếp.
Ngay từ giữa tháng 12, người Nhật đã bắt đầu viết và gửi các bưu thiếp mừng năm mới cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Các tấm bưu thiếp thường dùng hình ảnh con giáp đại diện cho năm đó kèm những lời cảm ơn năm cũ, lời chúc trang trọng trong năm mới. Phong tục này thể hiện rất rõ truyền thống văn hóa cảm ơn của người Nhật. Mỗi tấm bưu thiếp dù nhỏ bé nhưng đều mang trong đó lòng biết ơn sâu sắc những gì người khác đã làm cho mình. Đối với những ai có người thân vừa qua đời trong năm thì sẽ không gửi hay nhận thiếp năm mới từ bất kỳ ai để họ có thể tĩnh tâm tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất. Trong trường hợp này, họ sẽ gửi đến bạn bè, người thân của mình một tấm thiệp nhỏ để thông báo với họ rằng mình sẽ không gửi hoặc nhận bưu thiếp mừng năm mới.
Thông thường, bưu thiếp mừng năm mới sẽ được gửi đến người nhận đúng ngày 1/1 nhưng cũng có thể rải rác cho đến tận giữa tháng. Với thói quen mới này của người dân, dịp năm mới trở thành thời điểm bận rộn nhất trong năm của hệ thống bưu điện tại Nhật Bản. Để có thể gửi bưu thiếp đến tận tay người nhận trong ngày mùng 1 Tết, hệ thống bưu điện Nhật Bản phải huy động tối đa nguồn nhân lực, phương tiện, đồng thời thuê thêm rất nhiều lao động thời vụ.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhiều người Nhật cũng đã bắt đầu gửi thiệp chúc mừng năm mới điện tử thông qua email. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được phổ biến và tâm lý chung vẫn thích gửi và  nhận được những tấm bưu thiếp mừng năm mới truyền thống hơn.
Ngoài ra, một hoạt động khác đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nhật Bản trong đêm giao thừa, đó là cuộc thi hát trên truyền hình Kouhaku Uta Gassen. Ra đời năm 1951, cuộc thi quy tụ những nghệ sĩ nổi tiếng nhất Nhật Bản và thường bắt đầu từ khoảng 17h đến gần giao thừa. Trong đó, đội Đỏ- gồm các nữ nghệ sĩ và đội Trắng- gồm các nam nghệ sĩ sẽ trình diễn các tiết mục của mình. Màn trình diễn của hai đội sẽ do Ban giám khảo là những người nổi tiếng trên mọi lĩnh vực được chọn bởi kênh truyền hình quốc gia NHK chấm điểm, đội thắng được nhận cúp và lá cờ chiến thắng. Theo thống kê, gần như mọi người dân Nhật Bản đều xem chương trình Kouhaku Uta Gassen trong đêm giao thừa.
muasam ngaytet nhatban Tết Nhật: Từ truyền thống đến hiện đại (Phần 2)
Mua sắm đã trở thành thói quen ngày Tết hiện đại của người Nhật. Những tấm biển quảng cáo hạ giá có thể thấy ở khắp nơi- Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Một nét văn hóa rất thú vị được phổ biến rộng rãi tới mức gần như trở thành một thói quen ngày Tết của người Nhật đó là nghe Bản Giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Từ năm 1925, trong Thế chiến thứ II, Hoàng gia Nhật Bản đã khuyến khích biểu diễn Bản Giao hưởng số 9 này vào đêm giao thừa nhằm khích lệ tinh thần tình yêu nước của người dân và binh sĩ. Sau chiến tranh, trong quá trình tái thiết đất nước, Bản Giao hưởng số 9 được coi là tác phẩm âm nhạc phổ biến nhất, trở thành một trong những “liều thuốc tinh thần” khuyến khích mọi người hăng say lao động. Từ năm 1960, việc biểu diễn Bản Giao hưởng này được phổ biến rộng rãi hơn với sự tham gia của các dàn nhạc quy mô nhỏ của từng địa phương. 
Đến nay, cứ vào tháng 12 và trong suốt những ngày Tết, hàng trăm buổi biểu diễn Bản Giao hưởng số 9 được tổ chức trên khắp đất nước thu hút hàng chục ngàn khán giả, chưa kể đến các chương trình truyền hình, phát thanh và mạng internet cũng liên tục phát sóng tác phẩm này. Thưởng thức Bản Giao hưởng số 9 do vậy đã trở thành thói quen, nét văn hóa mới của người dân Nhật Bản mỗi khi Tết đến.
Cùng với việc có thêm một số hoạt động mới trong những ngày Tết, người Nhật cũng đang phải chấp nhận sự mai một của một số thói quen truyền thống, phần lớn trong ăn uống và vui chơi giải trí.
Trong nhiều năm gần đây, người Nhật hay chuẩn bị đồ ăn nguội, gọi là Osechi, gồm nhiều món để trong các hộp lớn, tiện lợi. Các siêu thị đều có bán các hộp Osechi. Thường thì sau khi cùng nhau đi lễ chùa, thăm hỏi người thân, đại gia đình sẽ cùng ăn Osechi, trò chuyện và đọc các tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới.
Lý do của việc dùng đồ ăn nguội ngày Tết là vì quan niệm xa xưa cho rằng nấu nướng trong ba ngày đầu năm mới không tốt cho Thần Bếp, nhưng nhiều người vẫn cho rằng lý do quan trọng hơn là để giải phóng cho các bà nội trợ khỏi công việc nấu nướng bận rộn trong mấy ngày Tết.
Ngày nay, trẻ em Nhật cũng ít khi chơi thả diều, người lớn không còn nhiều thời gian để cùng chơi bài, hai trong số những trò chơi truyền thống từ xa xưa.
Có thể nói, người dân Nhật Bản một mặt đã phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của mình, mặt khác tiếp thu có chọn lọc những nét mới, hiện đại trong quá trình hội nhập. Dễ dàng nhận thấy những nét tương đồng với phong tục đón Tết của người Việt và một số nước Á Đông khác nhưng cũng không khó để cảm nhận sự khác biệt, riêng có trong cách người Nhật Bản đón năm mới. Phong tục đón Tết tại đất nước Mặt trời mọc do đó cũng trở nên hài hòa, độc đáo và hấp dẫn hơn.
Xuân Tuyến(Từ Tokyo, Nhật Bản)

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Top