Du hoc Nhat Ban, Tuyển sinh du học Nhật Bản

Du học Nhật Bản - Tuyen sinh du hoc Nhat Ban uy tin

Chuyên trang thông tin Du học Nhật Bản số 1 Việt Nam

Tuyen sinh du hoc Nhat Ban gia re

Với người dân Nhật Bản, dù đã không còn ăn Tết theo lịch mặt Trăng (âm lịch) từ gần 2 thế kỷ nay nhưng nét Á Đông vẫn đậm đà, đặc sắc trong phong tục đón năm mới xứ Phù Tang.
PHẦN I: Tết Nhật truyền thống
trangtri Kadomatsu Tết Nhật: Từ truyền thống đến hiện đại (Phần 1)
Người Nhật có tục lệ trang trí Kadomatsu ở hai bên cửa nhà để đón may mắn.
Sau 5 năm tiến hành công cuộc Duy Tân, vào ngày 1/1/1873, Nhật Bản chính thức chuyển sang ăn Tết theo lịch Mặt Trời (Dương lịch). Người Nhật gọi ngày Tết là “Oshogatsu”. Trong tiếng  Nhật, “Oshogatsu” vốn là từ dùng để gọi tháng Giêng nhưng dần dần, nó được hiểu là 3 ngày đầu tiên của năm mới.
Với người Nhật Bản, Tết là dịp để chào đón Thần năm mới Toshigamisam- vị thần mang lại may mắn, sức khỏe và thịnh vượng.
Trước Tết, người Nhật dù bận rộn đến mấy cũng dành thời gian để tự tay dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ. Họ quan niệm làm như vậy sẽ giúp gột bỏ những gì không may mắn của năm cũ, đón chào năm mới với tinh thần và thể chất tươi mới, sạch sẽ nhất.
Sau khi dọn dẹp, người Nhật trang trí Kadomatsu ở hai bên cửa nhà để đón may mắn. Kadomatsu là 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông. 3 ống tre tươi vát chéo được xếp từ cao xuống thấp, tượng trưng cho chiếc thang để đón Thần Toshigamisam xuống hạ giới. Số cành thông phải là số lẻ bởi theo quan niệm xa xưa thì hạnh phúc không thể chia đều và sẽ mãi mãi được duy trì, chỉ có nỗi bất hạnh mới chia được để chấm dứt. Lý do để người Nhật dùng cành thông trang trí nhà cửa vì trong mùa đông, lá của loài cây này vẫn xanh tươi, sắc, nhọn, tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống, có thể diệt trừ ma quỷ.
Trên bàn thờ của mỗi gia đình Nhật Bản trong dịp Tết không thể thiếu bánh gạo Mochi, quả hồng, hạt dẻ, hạt thông, đậu đen, cá trích, mực và cam. Đây là những sản phẩm đặc trưng truyền thống của Nhật Bản, dễ làm và dễ kiếm. 
Trong nhà, dưới vòm cửa hay trên bàn thờ, người ta treo Shimekazari- một loại bùa chú có ý nghĩa ngăn không cho ma quỷ vào nhà. Như vậy, ý nghĩa của việc treo Shimekazari có nhiều nét tương tự như tục cắm cây nêu ngày Tết của Việt Nam. Ngày nay, người ta không chỉ treo Shimekazari trước cửa nhà mà còn treo trước tàu, xe, các phương tiện đi lại với hy vọng nó sẽ giúp tài xế tránh khỏi tai nạn.
Kadomatsu và Shimekazari được trang trí cho đến hết ngày mùng 7/1 và sau đó, theo tục lệ, người ta sẽ mang đến chùa hoặc tự đốt trước cửa nhà như hình thức hóa vàng của người Việt.  
Kadomatsu nhatban Tết Nhật: Từ truyền thống đến hiện đại (Phần 1)
Nếu không có ống tre, Kadomatsu có thể chỉ đơn giản là cành thông đặt trước cửa, chỉ cần số nhánh trên cành là số lẻ- Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Những ngày Tết thực sự được tính từ chiều 31/12 của năm cũ đến hết ngày 3/1 của năm mới.
Đêm giao thừa là thời điểm người Nhật cùng nhau ăn bữa cơm “tất niên”, bữa ăn đông đủ, được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong năm. Các thành viên trong gia đình cùng nhau trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm của năm cũ, chia sẻ những dự định, kế hoạch của năm mới.
Món ăn không thể thiếu trên bàn ăn trong đêm giao thừa là Toshikoshi Soba- loại sợi mì dài và dai làm từ kiều mạch, gạo. Đây là phong tục truyền thống dựa trên liên tưởng về việc ăn những sợi mỳ dài có ý nghĩa chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Cũng có địa phương cho rằng sợi mỳ dài của Toshikoshi-Soba tượng trưng cho tuổi thọ và may mắn kéo dài trong năm mới.
Kết thúc bữa cơm tất niên, nhiều người sẽ đến các đền, chùa gần nhà để đón giao thừa. Trước khi đi lễ phải rửa tay, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Tại chùa, người Nhật sẽ tung những đồng xu (thường là đồng mệnh giá 500, 100, 50 và 10 yen) vào các hòm công đức lớn đặt ngay cửa. Sau đó, họ sẽ chắp tay cúi lạy 2 lễ, vỗ tay 2 lần trước khi chắp tay cầu nguyện và cuối cùng lạy thêm 1 lễ nữa.
Đúng thời khắc chuyển giao sang năm mới, chuông tại tất cả các đền, chùa trên toàn nước Nhật sẽ đồng loạt điểm 108 tiếng. Theo quan niệm xưa, tiếng chuông vang lên 108 lần để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở. Tiếng chuông ngân nga đồng thời trên cả nước gửi đi thông điệp và lời cầu nguyện của tất cả mọi người cho một năm mới hạnh phúc, bình an.
Hiện nay, rất nhiều ngôi chùa ở Nhật dành việc đánh chuông cho 108 người dân đến lễ chùa sớm nhất vào thời điểm đó. Được là 1 trong 108 người gióng lên hồi chuông báo hiệu sự chuyển giao là mong muốn của rất nhiều người Nhật vì đó là dấu hiệu may mắn đầu tiên ngay trước thềm năm mới.
Sau khi lễ xong, người Nhật cũng thường rút quẻ (Omikuji). May mắn rút được quẻ lành, họ sẽ mang về nhà còn nếu rút phải quẻ hung thì sẽ buộc lên cành cây như một lời hứa với vị thần rằng sẽ cố gắng hành động theo lời khuyên của thần để tránh điều không may mắn. Những người chưa đi lễ chùa vào đúng thời điểm giao thừa sẽ đi trong những ngày tiếp theo, nhưng thông thường là vào ngày mù̀ng 1.
Phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của Nhật Bản sẽ hoạt động suốt đêm giao thừa thay vì tạm ngừng từ 0 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau như thường lệ.
dieu nhatban Tết Nhật: Từ truyền thống đến hiện đại (Phần 1)
Những cánh diều với họa tiết truyền thống giờ đây được mọi người trưng bày trong nhà để mọi người đặc biệt là trẻ nhỏ nhớ về Tết truyền thống- Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Giống như người Việt, người Nhật cũng rất chú trọng những hành động, lời nói đầu tiên sau thời điểm giao thừa bởi họ quan niệm đó là những hành động mang tính biểu tượng, có thể mang lại may mắn hoặc xui xẻo cho cả năm. Chẳng hạn, trong ngày mù̀ng 1 Tết, nhiều người sẽ dậy thật sớm để có thể đón được ánh mặt trời đầu tiên, như vậy họ sẽ gặp may mắn trong cả năm. Truyền hình cũng sẽ liên tục cập nhật hình ảnh mặt trời mọc tại khắp các địa điểm trên đất nước để người dân theo dõi. Nếu gặp bất cứ người Nhật nào trong ngày Tết, bạn sẽ thấy họ luôn mỉm cười thật tươi, cúi chào nhau thật thấp để thể hiện sự tôn kính nhằm mang lại may mắn cho nhau.
Vào sáng 1/1, các gia đình Nhật Bản đều làm lễ cúng Thần Năm Mới (Oshogatsu) để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mọi thành viên trong gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc. Sau nghi thức cúng Thần Năm Mới, họ sẽ cùng nhau uống rượu, ăn bánh osechi (loại bánh truyền thống dành riêng cho ngày Tết) cùng canh bánh dày Ozoni. Đây là món canh sử dụng tất cả các nguyên liệu được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên trong đêm giao thừa. Người Nhật cho rằng, ăn những thứ các vị thần hay tổ tiên đã ăn sẽ giúp họ mạnh khỏe hơn.
Tục lệ mừng tuổi cho trẻ em hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè cũng được tiến hành kể từ sau Lễ đón Giao thừa hoặc sáng sớm ngày 1/1. Tiền mừng tuổi cho trẻ em cũng được để trong các bao màu đỏ, được trang trí hình con giáp của năm một cách ngộ nghĩnh. Trong 3 ngày Tết, người Nhật cũng sẽ đến thăm nhà nhau để chúc mừng năm mới- việc mà họ hiếm khi thực hiện trong cả năm.
Trong 3 ngày Tết, người Nhật chủ yếu ăn những món ăn truyền thống. Các món ăn phổ biến ngày Tết ngoài bánh Osechi, còn có thể kể đến các món như sashimi, sushi, zouni, kagamimochi. Đồ uống thì phổ biến nhất vẫn là rượu sake.
Sau 3 ngày tết, người Nhật còn có Tết 7 loài hoa vào ngày 7/1, Tục làm vỡ bánh dày vào ngày 11/11 và Lễ thành nhân ngày 15/1 cho các thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi. Sau những ngày này, nước Nhật mới thực sự hết Tết và trở lại hoàn toàn với cuộc sống nhộn nhịp hằng ngày…
Xuân Tuyến(Từ Tokyo, Nhật Bản)

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Top