Tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam không chỉ gắn với những bộ phim Hollywood hoành tráng, cổ trang võ thuật Trung Hoa hay những bộ phim Hàn tình cảm, ướt át mà còn có những tác phẩm ấn tượng từ đất nước mặt trời mọc. Hãy cùng Hoa Sen điểm qua những bộ phim Nhật Bản đầy ý nghĩa và gắn liền với ký ức của người hâm mộ Việt Nam.
Ngôi sao may mắn
Đây là một bộ phim có nội dung gây xúc động mạnh mẽ khi kể về cuộc đời bi thảm của cô gái câm điếc Aya do Noriko Sakai thủ vai. “Ngôi sao may mắn” chinh phục người xem không chỉ bởi cốt truyện kịch tính, đầy cảm xúc mà còn nhờ vào diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên, đặc biệt là Noriko Sakai. Nhân vật của cô từng lấy đi nước mắt của hàng triệu người xem khắp châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, giúp Noriko trở thành một trong những nữ diễn viên hàng đầu Nhật Bản được khán giả Việt quan tâm và yêu mến nhất nhờ vẻ đẹp trong sáng cùng khả năng diễn xuất tốt.
Tuy nhiên, Noriko Sakai từng khiến dư luận và người hâm mộ bất ngờ khi thừa nhận sử dụng ma túy vào năm 2009. Từ scandal này, sự nghiệp diễn xuất, âm nhạc của cô gần như chấm dứt. Noriko buộc phải tuyên bố giải nghệ và cúi đầu xin lỗi người hâm mộ, đồng thời quyết tâm đi cai nghiện. Sau khi ra trại, cô tiếp tục gây thất vọng khi được báo giới đưa tin thường lui tới các sòng bạc để kiếm tiền và nhận đóng cả phim sex để nuôi thân.
Oshin
Dựa trên câu chuyện có thật về mẹ của Kazuo Wada, một doanh nhân Nhật Bản thành đạt, người sáng tạo ra chuỗi siêu thị Yaohan, bộ phim đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả trên toàn thế giới. “Oshin” là câu chuyện kể về cuộc đời thăng trầm của cô bé Oshin từ khi còn nhỏ cho đến lúc già. Phim bắt đầu từ thời điểm năm 1983, thay vì tham dự buổi lễ khai trương cửa hàng thứ 17 của gia đình, bà Shin Tanokura (Oshin) lại quyết định thực hiện một chuyến du lịch bằng tàu hỏa mà không cho gia đình biết. Mọi người đổ xô đi tìm bà nhưng không được. Chỉ có Kei – cháu nội của bà Shin chợt nhớ ra câu chuyện về con búp bê Kokeshi mà bà từng kể cho anh. Dựa vào những tình tiết trong câu chuyện và linh cảm của mình, Kei đã tìm ra bà Shin. Tại nơi hai bà cháu gặp nhau, bà Shin đã kể lại những kỷ niệm trong suốt cuộc đời bà cũng như giai đoạn thăng trầm nhất của nước Nhật trong thế kỷ 20.
Đảm nhận vai Oshin lúc nhỏ là Ayako Kobayashi. Hiện giờ, nữ diễn viên này đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Khắc họa tuổi trưởng thành là Yuno Tanaka, cô là diễn viên có tiếng tại Nhật Bản và đã kết hôn với ngôi sao nhạc pop Kenji Sawada.. Còn Oshin lúc về già do nữ diễn viên gạo cội Nobuko Otawa thể hiện, bà đã qua đời vào năm 1994. Có thể nhiều người không biết, nhưng từ Osin – một tên gọi khác của người giúp việc gia đình tại Việt Nam có nguồn gốc từ chính bộ phim này. Điều đó chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của Oshin tại thời điểm nó được phát sóng trên màn ảnh Việt.
Chuyện nữ tiếp viên hàng không
Cùng với “Ngôi sao may mắn” và “Oshin”, “Chuyện nữ tiếp viên hàng không” là một trong những bộ phim kinh điển của Nhật Bản tại Việt Nam. Phim xoay quanh câu chuyện về Matsumoto Chiaki – một cô gái bé nhỏ, xinh xắn, tốt bụng nhưng vô cùng hậu đậu và vụng về. Chiaki sống trong một gia đình bạo lực khi cha dượng thường xuyên đánh đập mẹ con cô. Tuy vậy, cô vẫn khát khao trở thành nữ tiếp viên hàng không. Sau khi ghi danh vào học viện JAL (Japan Airline), Chiaki gặp gỡ và đem lòng yêu thầy giáo hướng dẫn điển trai Hiroshi. Ý chí và tinh thần kiên cường của cô khi đối mặt với khó khăn, thử thách trở thành nguồn động lực và tấm gương cho nhiều thế hệ người hâm mộ của Việt Nam. Cho đến tận bây giờ, nhiều khán giả Việt vẫn thuộc nằm lòng và thường sử dụng câu thoại “Cố lên Chiaki!” trong cuộc sống hằng ngày như một câu nói cửa miệng trong những tình huống khó khăn hay để cổ vũ ai đó.
Vai diễn Chiaki do ca sĩ nhạc pop thần tượng thập niên 80 Hori Chiemmi thể hiện. Khi đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp ca hát, cô bất ngờ tuyên bố giải nghệ ở tuổi 20. Sau quyết định đó cô trở về quê nhà ở Osaka và bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vưc truyền hình. Cô hiện là mẹ của 5 đứa con, thời gian gần đây Hori lại quyết định rẽ hướng sang bộ môn khiêu vũ. Trong khi đó, nhân vật thầy Hiroshi do nam diễn viên Kazama Morio thủ vai. Hiện tại, ông đã hơn 63 tuổi và ít tham gia các hoạt động diễn xuất.
Kokoro
“Kokoro” là câu chuyện về nữ tiếp viên hàng không quốc tế sống với mẹ và bà – những người làm việc trong nhà hàng truyền thống ở một khu buôn bán tại Tokyo, nơi có phong tục và truyền thống sâu đậm. Cuộc sống của Kokoro gặp nhiều khó khăn khi cô bất ngờ trở thành góa phụ, một người mẹ kế, một bà chủ và mọi mối quan hệ của cô lúc này gắn chặt với gia đình và cộng đồng xung quanh. Khi mà internet dần xâm nhập và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mối quan hệ cộng đồng truyền thống thì những người như Kokoro lại đang cố gắng gìn giữ sự ấm áp và giá trị cuộc sống của người Nhật đã có từ lâu nay.
Phim kéo dài 156 tập, khắc họa cuộc đời của một người phụ nữ với những giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi văn hóa nước ngoài. “Kororo” để lại nhiều cảm xúc và khiến khán giả phải suy ngẫm về những giá trị truyền thống trong đời sống hội nhập.
Một lít nước mắt
“Một lít nước mắt” (hay còn gọi là Nhật kí nước mắt) là phim truyền hình Nhật Bản được phát sóng lần đầu tiên trên kênh Fuji. Phim kể về cuộc sống của Aya Ikeuchi khi cô mắc phải một căn bệnh thoái hóa lúc mới 15 tuổi. Tuy nhiên, bằng nỗ lực phi thường, cô vẫn cố gắng sống tốt đến lúc qua đời vào năm 25 tuổi.
“Một lít nước mắt” dựa trên câu chuyện có thật từ quyển nhật kí của Kito Aya, vốn mắc phải căn bệnh hiểm nghèo Spinocerebellar ataxia. Aya viết quyển nhật kí với lời tựa “Một lít nước mắt” do bác sĩ chăm sóc cô đề xuất để tiện việc theo dõi tiến trình của căn bệnh. Cô đã viết cho đến khi cơ thể bị liệt hoàn toàn và sau đó được xuất bản không lâu trước khi Aya qua đời. Cuối mỗi tập phim đều có phần trích dẫn nội dung của quyển nhật kí, kèm theo là hình ảnh của nguyên mẫu Aya qua từng thời kì căn bệnh.
Bộ phim đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khắp Châu Á. Vai diễn Aya Ikeuchi do nữ diễn viên Sawajiri Erika thể hiện gây được ấn tượng sâu sắc với người hâm mộ Việt Nam. Dù bước vào làng giải trí từ năm 13 tuổi, nhưng chỉ đến khi nhận được vai Aya Ikeuchi trong “Một lít nước mắt”, Erika mới thực sự bước vào trái tim người hâm mộ và được giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên, sau đó cô vướng phải nhiều scandal và rút khỏi làng giải trí. Khi trở lại, cô đã gây sốc khi tuyên bố kết hôn với người đàn ông gấp đôi tuổi cô và bất ngờ chia tay sau một năm. Erika tái xuất màn ảnh vào năm 2012 với bộ phim “Helter Skelter”.
Hachiko Monogatari
Bộ phim “Hachikō Monogatari” được sản xuất năm 1987, kể về chú chó Hachikō từ khi được sinh ra cho đến khi chết đi. Câu chuyện về sự trung thành của Hachiko với người chủ là giáo sư Ueno của trường đại học Tokyo được ngợi ca hết lời. Chú chó ngày ngày tiễn vị giáo sư ra ga để lên tàu đi làm và lại ra đó đợi ông khi tan tầm. Tuy nhiên, vào một ngày, giáo sư Ueno đã qua đời sau một cơn đột quỵ khi đang ở trường đại học và mãi mãi không thể trở về. Hachiko vẫn cứ đều đặn suốt nhiều năm trời ra ga tàu đợi chủ nhân vào lúc tan tầm cho tới khi chết vì kiệt sức.
Phim mô tả một cách chân thật niềm kiêu hãnh, lòng trung thành của Hachiko và đạt được thành công lớn, tạo tiếng vang cho ngành điện ảnh Nhật lúc bấy giờ.
Dưới 1 mái nhà
Đây là một trong những bộ phim Nhật Bản đầu tiên được phát sóng tại Việt Nam. Chuyện phim kể về 6 anh em trở thành trẻ mồ côi sau khi bố mẹ qua đời vì tai nạn giao thông. Người anh cả Tatsuya khi ấy mới 18 tuổi và đang tham gia huấn luyện điền kinh. Anh quyết định đem 5 đứa em nhờ bà con và mọi người nhận nuôi. 7 năm sau, Tatsuya trở thành vận động viên điền kinh, anh quyết tâm tìm lại các em. Dù ban đầu không thừa nhận Tatsuya do nghĩ rằng anh là kẻ ích kỷ, nhưng sau nhiều lần thuyết phục, các em của Tatsuya cũng đồng ý cùng sống chung dưới một mái nhà. Từ đây, giữa họ bắt đầu xảy ra nhiều tình huống, khúc mắc, đối lập nhưng cuối cùng, tình cảm gia đình đã trở thành sợi dây gắn kết mạnh mẽ nhất giữa các thành viên.
“Dưới một mái nhà” ngợi ca tình cảm ruột thịt và đặt giá trị nền móng vững chãi của gia đình lên hàng đầu. Nữ diễn viên “Ngôi sao may mắn” Noriko Sakai cũng góp mặt trong dàn diễn viên của phim.
Cô thợ làm bánh Asuka
Bộ phim xoay quanh sự thăng trầm của một cửa hiệu nổi tiếng ở Kyoto với nghề làm bánh cổ truyền Wagashi. Không chỉ vậy, “Asuka” còn mang đậm giá trị truyền thống Nhật Bản. Trong phim, Asuka là một cô gái bé nhỏ dám thử sức với lĩnh vực xưa nay chỉ dành cho con trai. Nhưng với niềm đam mê và tài năng được thừa hưởng từ bố, Asuka đã phấn đấu hết mình để trở thành một thợ làm bánh tài hoa. Yếu tố giáo dục và tính truyền thống sâu sắc của phim được thể hiện rõ nhất trong cách ông bố giáo dục cô con gái cũng như ý nghĩa của từng loại bánh mà bộ phim đề cập tới.
Thành công của “Asuka” có một phần không nhỏ nhờ diễn xuất của nữ chính Takeuchi Yuko khi khắc họa thành công vai Asuka khi trưởng thành. Với lối diễn chân thực, tự nhiên và đầy đam mê, Yuko gây được nhiều thiện cảm đối với người hâm mộ. Nữ diễn viên sinh năm 1980 nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ kịch, điện ảnh đến truyền hình. Tuy thành công trong sự nghiệp nhưng cuộc sống riêng tư của cô lại trải qua nhiều sóng gió. Năm 2005, Yuko kết hôn với nam diễn viên Shidō Nakamura sau khi gặp nhau trên phim trường “Be with You”. Sau đó 3 năm, họ chính thức đường ai nấy đi.
Siêu nhân Gao
Hyakujuu Sentai Gaoranger (hay còn được gọi với tên Việt là Siêu nhân Gao) là một trong những bộ phim Nhật Bản đầu tiên lấy chủ đề về các anh hùng với năng lượng siêu nhiên từng có mặt tại Việt Nam. Phim kể về năm chiến binh được chọn bởi các Siêu Thú và phải từ bỏ cuộc sống hiện tại của họ để trở thành những chiến binh Gao chiến đấu bảo vệ Trái Đất khỏi sự tấn công của các thế lực đen tối. Dù lối diễn xuất của nhân vật không thật xuất sắc, kỹ xảo không được đẹp mắt và hiện đại như bây giờ nhưng “Siêu nhân Gao” vẫn luôn là bộ phim yêu thích của đông đảo bạn nhỏ và gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Với những người từng yêu thích bộ phim khi còn là những cậu bé con, có ai lại chưa từng mơ ước sẽ trở thành một trong những “Siêu nhân” kia?
0 nhận xét:
Post a Comment