Để quãng đời du học sinh tại Nhật Bản trở nên đáng giá, bạn cần biết cân bằng giữa việc học và kiếm tiền. Một khi bạn rèn cho mình kỷ luật giờ giấc như người Nhật và kiểm soát được thời gian biểu của mình thì kiếm tiền trên đất Nhật không phải là việc khó.
Thích nghi “thời gian Nhật”
Khi còn học đại học ở Việt Nam, cô giáo tôi bảo: “Sống và tồn tại là hai khái niệm khác nhau. Khác ở chỗ người ta sống sẽ có ước mơ, có hy vọng, có tính toán cho tương lai của mình và gia đình”. Câu chuyện nhiều năm trước nay bất chợt xuất hiện và đúng đến kinh ngạc khi tôi chân ướt chân ráo du học tại Nhật. Giữa cuộc sống bộn bề lo toan chuyện mưu sinh, vừa đến trường kiếm chữ và vừa đi làm kiếm ăn, tôi biết xác định ưu tiên rằng đi làm chỉ để “tồn tại” còn nếu muốn “sống” thì nhất định phải đến trường.
Du học sinh phải luôn tâm niệm mục đích chính của những du học sinh khi đến Nhật Bản chính là học tập. Làm thêm chỉ là một cách để trang trải cuộc sống, thế nên đừng để điều đó làm ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe cũng như kết quả học tập – những yêu cầu thiết yếu trong dài hạn. Muốn làm được điều đó buộc du học sinh phải tìm cách thích nghi “thời gian Nhật”. Theo đó, tôi học được từ người Nhật Bản về tính kỷ luật, chặt chẽ, chịu khó và có sức bền.
Lúc mới bắt đầu làm thêm, tôi đã rất vất vả trong việc điều chỉnh thời gian biểu sinh hoạt của mình nhưng nhờ lời khuyên của những người đàn anh đàn chị đi trước, tình trạng này đã được cải thiện nhiều. Tôi đi làm thêm một tuần bốn đến năm buổi, mỗi buổi từ năm đến sáu tiếng vào chiều tối. Cộng thêm một tiếng để di chuyển từ chỗ làm đến nhà nữa, tức là trong tuần tôi phải tốn một phần tư thời gian cho việc làm thêm. Cộng thêm thời gian ngủ và nghỉ ngơi nữa thì đã hết nửa tuần. Thời gian còn lại ngoài việc ăn uống và làm những việc cá nhân, tôi cố gắng lên lớp đầy đủ, đúng giờ, không để thời gian chết nhiều, hạn chế những thứ linh tinh như xem phim, nghe nhạc, tán gẫu, hay Facebook… rất dễ giết thời gian của tôi.
Sang Nhật học được hơn ba năm, tôi đã chứng kiến nhiều người vì mê kiếm tiền mà lao vào đi làm cật lực, ỷ lại sức trẻ khiến thể trạng xuống cấp, cơ thể trở nên gầy gò, ốm yếu. Nhiều người mải mê đi làm thêm nhiều, về nhà chỉ có ngủ, không đến trường hoặc đến trường cũng ngủ gật trên giảng đường, kết quả học tập vì thế cũng đổ bể, học mãi mà không thể ra trường.
Chia nhỏ mục tiêu thì dễ hoàn thành
Trong lối sống “thời gian Nhật”, tôi đặt ra những mục tiêu xa, rồi chia nhỏ việc thực hiện mục tiêu đó. Bạn hãy tin tôi đi, sẽ dễ dàng hơn và nhẹ đầu hơn rất nhiều nếu bạn biết cách “chia để trị”. Việc lập ra danh sách các công việc phải làm cho từng tuần, từng ngày và thực hiện theo chúng sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống thật dễ chịu, thời gian không lãng phí và tránh sự hỗn độn nhiều công việc mà không biết phải làm cái nào trước.
Cụ thể hơn, mỗi ngày tôi đều tạo một danh mục công việc cần làm trên phần mềm Evernote bằng điện thoại và đánh dấu độ ưu tiên của chúng. Công việc nào quan trọng phải giải quyết ngay thì làm trước, công việc nào có độ ưu tiên thấp hơn thì làm sau. Mỗi mốc thời gian ứng với mỗi kế hoạch cụ thể nên tôi cố gắng giải quyết các bài tập nhanh chóng, cố gắng không chừa để sang ngày mai. Những hôm nào không đi làm thêm thì tôi cố gắng giải quyết những phần việc và bài tập của hôm làm thêm.
Còn chuyện học, hồi mới qua do chưa thích nghi nên tôi yêu cầu mình phải cố gắng hết sức xem sức học mình tới đâu. Sau một học kỳ, khi biết mình biết ta, tôi mạnh dạn đặt mục tiêu là học kỳ này tất cả môn đều được loại A, cuối năm thi đậu kỳ thi năng lực Nhật ngữ N1. Tôi phải đạt hai mục tiêu này để hướng tới mục tiêu xa hơn cũng chính là mơ ước của tôi: Có việc làm ổn định để có thể giúp gia đình ở Việt Nam và quan trọng là sớm “vinh quy bái tổ” trong ngày gần nhất.
Muốn có cái xa phải đạt được cái gần, muốn đạt việc lớn phải hoàn thành việc nhỏ. Vậy nên mỗi ngày tôi phải chăm chút từng phần kiến thức cho từng môn để cuối kỳ không phải học dồn. Mỗi ngày tôi cũng học vài từ vựng mới, vài mẫu ngữ pháp mới để chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Nhật.
HOÀNG HẢI, Học viên cao học tại Nhật
0 nhận xét:
Post a Comment